Thăm hang đá Long Môn - kỳ quan kiến trúc của Trung Quốc

Hang đá Long Môn là hệ thống các ngội đền Phật Giáo được tạc vào dãy núi đá nằm bên con sông Y Hà ở phía đông thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
Di tích lịch sử này có 1350 hang động, 40 ngôi chùa, bên trong chứa rất nhiều bức tượng với đủ loại hình dạng, kích cỡ trải dài từ 2 cm đến 17m. Nơi đây có trên 100.000 bức tượng được tạc vào lớp đá vôi rắn chắc, trải dài 1km nằm dọc 2 bên bờ sông. 


Việc xây dựng hang Long Môn được bắt đầu vào năm 439, dưới thời Bắc Ngụy  và được tiếp tục hoàn thiện qua 6 triều đại kế tiếp trong khoảng 400 năm. Khoảng một phần ba của những tác phẩm điêu khắc hang động được chạm khắc vào thời nhà Bắc Ngụy và hai phần ba trong triều đại nhà Đường. 




Phong cách, kiểu dáng trang phục, biểu hiện gương mặt của các bức  tượng cũng  như phương thức trạm khắc thể hiện rất rõ sự cải tiến kỹ thuật và cách biệt về phong cách nghệ thuật sau 1 nửa thiên niên kỷ. 



 Hang Tân Dương được ghi nhận là hang động có niên đại lâu nhất trong hệ thống hang đá Long Môn với nhiều pho tượng được chạm khắc từ thời Bắc Ngụy (386–534). Trong số đó, pho tượng khắc trên đá vôi sớm nhất ở hang này là vào năm 478.




Bên cạnh những công trình điêu khắc đồ sộ, hang đá Long Môn còn giữ lại nhiều tài liệu vật thể lịch sử về tôn giáo, mỹ thuật, thư pháp, âm nhạc, trang phục, y dược, kiến trúc và giao thông của Trung Quốc và nước ngoài. 



Cùng với hang đá Mạc Cao (tỉnh Cam Túc) và hang đá Vân Cương (tỉnh Sơn Tây), hang đá Long Môn là một trong ba địa điểm điêu khắc cổ đại nổi tiếng nhất ở Trung Quốc, đã được UNESCO xếp hạng Di sản văn hóa thế giới vào năm 2000.

Theo Depplus